Đắk Lắk: Giữ ngọn lửa văn hóa truyền thống cho các thế hệ trẻ
Ngày 5/7, Trung tâm Truyền thông – Văn hóa – Thể thao thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đã tổ chức lễ bế giảng các lớp học đánh chiêng, múa xoang năm 2024.
Bà Phạm Thị Hải Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông – Văn hóa – Thể thao thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, dựa trên đăng ký của các phường, xã, năm 2024, thành phố Buôn Ma Thuột đã tổ chức 4 lớp học đánh chiêng, múa xoang cơ bản và nâng cao với sự tham gia của 100 học viên của 8 buôn.
Đồng thời, tổ chức liên hoan nghệ thuật hát then – đàn tính thành phố Buôn Ma Thuột mở rộng lần thứ II năm 2024.
Tổ chức giao lưu văn hóa cồng chiêng định kỳ mỗi tháng 1 lần tại Quảng trường 10/3 tạo điều kiện cho các đội văn nghệ của các thôn, buôn, tổ dân phố có đồng bào dân tộc thiểu số gặp gỡ, giao lưu, học tập kinh nghiệm, tăng cường tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, cùng chung tay góp sức trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.
Thành phố Buôn Ma Thuột tổ chức nhiều lớp truyền dạy đánh chiêng cho các thế hệ trẻ.
Là một trong những nghệ nhân nhỏ tuổi tham gia học lớp múa xoang cơ bản, em H’Yu Ni Niê (13 tuổi, trú tại buôn Buôr, xã Hòa Xuân, thành phố Buôn ma Thuột) chia sẻ: “Em rất vui và may mắn khi được tham gia lớp học múa xoang. Thông qua lớp học, em không chỉ được chỉ được học những kỹ thuật múa xoang mà còn hiểu sâu sắc hơn về nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Với những kiến thức đã học được, em sẽ truyền lại cho các bạn bè, em nhỏ trong buôn nơi mình sinh sống”.
Trước đó, năm 2019, thành phố Buôn Ma Thuột cũng đã tổ chức mở 4 lớp dạy đánh chiêng cho 110 em thiếu nhi người đồng bào dân tộc Ê Đê tại 3 xã Ea Tu, Cư Êbur và Hòa Phú.
Tiếp đó, năm 2020, Thành phố tổ chức 1 lớp truyền dạy năng lực đánh chiêng cho 12 nghệ nhân ở 2 xã Hòa Khánh và Ea Kao; 3 lớp dạy đánh Chiêng cho 90 thiếu nhi dân tộc Ê Đê tại các xã Ea Kao, xã Hòa Khánh và Hòa Xuân. Tổ chức liên hoan nghệ thuật hát then – đàn tính thành phố Buôn Ma Thuột mở rộng lần thứ I năm 2020.
Năm 2022, tổ chức lớp dạy đánh chiêng cho 30 em thiếu nhi tại buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi và lớp dạy múa xoang cho 42 nghệ nhân tham gia và lớp truyền năng lực dạy đánh chiêng cho 15 nghệ nhân.
Lễ bế giảng các lớp học đánh chiêng, múa xoang năm 2024.
Năm 2023, tổ chức một lớp dạy đánh chiêng, 3 múa xoang và một lớp đàn tính - hát then cho 130 em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số ở thôn, buôn, tổ dân phố. Tổ chức liên hoan các đội chiêng trẻ thành phố Buôn Ma Thuột lần thứ I - năm 2023, có 14 đội tham gia gồm có 60 tiết mục và hơn 250 nghệ nhân, diễn viên về tham gia.
Bà Phạm Diệp Thu Hà, giảng viên trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk cho biết, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột đang được triển khai ngày càng rộng rãi và sâu rộng thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Trong đó, việc tổ chức các lớp học đánh chiêng, múa xoang không chỉ giúp lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống qua các thế hệ, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với địa phương.
Em H’Yu Ni Niê không giấu được niềm vui khi được trao giấy chứng nhận sau một thời gian tham gia lớp học múa xoang.
Gieo "hạt giống" cho mai sau
Hơn 20 năm gắn bó với các lớp truyền dạy đánh chiêng, nghệ nhân Y Hiu Niê Kđăm (SN 1955, trú tại buôn Mduk, phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng không chỉ được Đảng, nhà nước đặc biệt quan tâm bảo tồn, phát huy, mà còn được thế giới tôn vinh.
Do đó, việc tổ chức lớp dạy đánh chiêng cho các thế hệ trẻ là việc làm rất có ý nghĩa trong quá trình bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Múa xoang là loại hình văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên nói chung và dân tộc Ê Đê nói riêng.
Nghệ nhân Y Hiu Niê Kđăm nói về tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.
Nghệ nhân Y Hiu cho hay, tuổi thơ của ông gắn liền với tiếng chiêng, điệu múa. Mỗi khi trong buôn có lễ tục thì nhịp chiêng lại vang lên rộn rã. Say đắm với tiếng chiêng từ lúc nào không hay, ông đã gặp các bậc già làng, người đánh chiêng giỏi xin học hỏi.
Đồng thời, ông còn đến các lễ hội để nghe các bài chiêng, quan sát các bậc tiền bối đánh chiêng rồi bắt chước. Cứ thế, niềm đam mê cồng chiêng ăn sâu vào máu và là một phần quan trọng trong cuộc sống của ông.
Từ năm 2002, nghệ nhân Y Hiu bắt đầu tham gia dạy chiêng cho lớp trẻ buôn Mduk. Đó cũng là cơ duyên đưa ông đến khắp các buôn trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột và nhiều địa phương lân cận để truyền dạy đánh chiêng. Đến nay, sau hơn 20 năm “truyền lửa” đam mê, nghệ nhân Y Hiu đã dạy đánh chiêng cho hơn 1.000 học viên.
“Tôi muốn dùng hết tâm huyết và niềm say mê để truyền dạy kỹ thuật đánh chiêng cho các thế hệ trẻ. Từ đó, giúp các bạn trẻ hiểu rõ hơn về những giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa, để cùng nhau giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Đây cũng là lý do khiến nhiều lần, tôi nhận lời đi dạy đánh chiêng mà không đòi hỏi bất cứ sự đền đáp nào. Bởi niềm vui lớn nhất của tôi là được gặp lại các học trò của mình khi họ tham gia các lễ hội, hội thi và nhìn thấy sự trưởng thành của họ trong từng tiếng chiêng để nhịp chiêng mãi ngân vang”, nghệ nhân Y Hiu chia sẻ.
Các lớp dạy và học đánh chiêng, múa xoang đã góp phần định hướng cho các thanh thiếu niên có ý thức giữ gìn và phát huy văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình.
Bà Phạm Thị Hải Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông – Văn hóa – Thể thao thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, thành phố Buôn Ma Thuột tổ chức nhiều lớp dạy và học đánh chiêng trong dịp hè nhằm định hướng cho các thanh thiếu niên có ý thức giữ gìn và phát huy văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Từ đó, nâng cao trách nhiệm, cố gắng học tập để lưu giữ, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mình nói riêng và âm nhạc Tây Nguyên nói chung.
Bên cạnh đó, múa xoang cũng là loại hình văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên nói chung và dân tộc Ê Đê nói riêng gắn liền với những hoạt động lớn trong đời sống tinh thần của đồng bào đặc biệt là lễ hội. Cứ có lễ hội, có tiếng chiêng vang lên là sẽ có múa xoang. Trải qua nhiều thời kỳ, cùng với cồng chiêng - múa xoang vẫn được lưu giữ và được xem là nét đẹp văn hóa dân gian khác của đồng bào dân tộc Ê Đê.
Bà Phạm Thị Hải Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông – Văn hóa – Thể thao thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, các học viên tham gia các lớp học đánh chiêng, múa xoang sẽ là những “đốm lửa” làm bùng cháy ngọn lửa tình yêu đối với văn hóa truyền thống của dân tộc.
“Việc tổ chức các lớp học đánh chiêng - múa xoang nhằm giúp cho các thế hệ trẻ trên địa bàn thành phố nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung tiếp tục “giữ lửa”, tiếp tục rèn luyện để có nhiều tiết mục hay nhằm tham gia và đạt thành tích cao trong các kỳ liên hoan, hội thi, ngày hội văn hóa của địa phương của thành phố và tỉnh tổ chức. Quan trọng hơn cả, các học viên tham gia các lớp học này sẽ là những “đốm lửa” làm bùng cháy ngọn lửa tình yêu đối với văn hóa truyền thống của dân tộc mình tại địa phương”, bà Phạm Thị Hải Bình nhấn mạnh.
Khánh Ngọc
Tags:Buôn Ma Thuột
Đắk Lắk
bản sắc văn hóa
dân tộc
truyền thống
du lịch
điểm nhấn
Tin cùng chuyên mục