'Luồng gió mới' tạo lực đẩy phát triển hạ tầng
Phối cảnh cầu Cần Giờ, một dự án trọng điểm ở TPHCM chuẩn bị thực hiện theo cơ chế mới.
Cơ chế đặc thù cho phép TP HCM thực hiện các dự án BT (xây dựng-chuyển giao) hay BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) phù hợp hơn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, TP HCM cho phép doanh nghiệp (DN) được tham gia góp vốn xây dựng các dự án hạ tầng quan trọng, gồm các dự án có trên đường hiện hữu hay dự án được thanh toán không chỉ bằng đất mà còn là tiền ngân sách cùng việc linh hoạt bồi thường giải phóng mặt bằng theo thoả thuận.
Thời gian qua, nhiều hàng hoá nông thuỷ sản ở vùng ĐBSCL xuất khẩu (và chiều nhập khẩu) đều được đưa qua cảng Cát Lái (TP Thủ Đức, TPHCM). Vì vậy, việc xây dựng hạ tầng ở các khu vực trọng điểm của TP HCM là nhu cầu cần thiết, có ý nghĩa không chỉ riêng với địa bàn TPHCM mà còn có ý nghĩa chung với nhiều tỉnh thành lân cận. Ông Phan Công Bằng - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP HCM cho biết, vừa qua thành phố đã khởi công dự án đường Vành đai 3 kết nối trực tiếp với 3 tỉnh là Long An, Bình Dương và Đồng Nai. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả đường Vành đai 3 (sẽ hoàn thành cuối năm 2025), TP HCM cần thêm một số dự án hạ tầng quan trọng khác nữa. Trong đó có nhiều dự án đã lên kế hoạch hàng chục năm nhưng chưa thể bố trí được nguồn vốn để đầu tư xây dựng.
Theo ông Bằng, sau khi được Quốc hội cho phép thực hiện thí điểm các dự án hạ tầng bằng cơ chế đặc thù, TP HCM sẽ kêu gọi DN đầu tư vào các dự án quan trọng theo hình thức BOT và BT linh hoạt hơn so với trước. Như ở hình thức đầu tư BT, thay vì thành phố thanh toán cho DN thực hiện dự án bằng quỹ đất như trước thì nay có thể dùng tiên ngân sách trả chậm. Hiện nay, thành phố đã tiến hành lập các tổ công tác để nghiên cứu, kêu gọi DN sẵn sàng đầu tư vào các dự án hạ tầng sắp tới. Trong đó, dự án mở rộng quốc lộ 1A với nguồn vốn khoảng 13.000 tỷ đồng, dự án mở rộng quốc lộ 13 có vốn khoảng 12.190 tỷ đồng, dự án đường song hành quốc lộ 50 là 3.800 tỷ đồng, dự án cầu Cần Giờ gần 12.000 tỷ đồng, hay loạt dự án theo trục Đông Tây là hơn 13.000 tỷ đồng, loạt dự án theo trục Bắc Nam là 54.000 tỷ đồng… đều cần có sự chung tay góp vốn của nhiều DN.
Trong khi đó, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý xây dựng hạ tầng giao thông TP HCM cho rằng, cơ chế đặc thù không chỉ giúp cho các dự án chuẩn bị triển khai có thêm cơ hội bứt phá mà một số dự án đang triển khai cũng được gỡ khó. Theo ông Phúc, hiện trên địa bàn TP HCM có một số dự án thực hiện theo hình thức BT đang gặp khó khăn vì thủ tục, một số tạm ngưng hoặc thi công chậm chạp chờ chính sách. Đó là các dự án như đường song hành với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, 4 tuyến đường trong khu đô thị Thủ Thiêm, đoạn 3 và 4 của đường Vành đai 2… Có cơ chế đặc thù, thành phố có thêm lựa chọn để đàm phán, thanh toán hợp đồng với DN. Như với các hợp đồng BT (còn gọi là đổi đất lấy công trình), trước kia thành phố chỉ có thể thanh toán cho DN bằng quỹ đất thì theo cơ chế đặc thù mới có thể thanh toán bằng tiền ngân sách. Việc này có nhiều lợi thế và linh động hơn bởi việc định giá đất liên tục thay đổi nên các công trình có thời gian thực hiện lâu sẽ khiến cho định giá đất gặp khó.
Chủ đề: phát triển hạ tầng 'Luồng gió mới' tạo lực đẩy
Tags:'Luồng gió mới'
tạo lực đẩy
phát triển
hạ tầng
Tin cùng chuyên mục