09/05/2022 16:04

Quy tắc 'thêm, bớt' giúp sống khỏe hơn

Bí quyết sống trường thọ bao gồm nhiều yếu tố, một trong số đó liên quan đến thực phẩm và chế độ ăn uống.

Để góp phần có cuộc sống khỏe mạnh, bạn nên tuân thủ các quy tắc sau:

Nhai nhiều hơn và ăn ít hơn

Kết quả một nghiên cứu kéo dài 5 năm của ông Takayuki Yamaji - bác sĩ tim mạch tại Đại học Hiroshima (Nhật Bản) - cùng các cộng sự cho thấy, 11,6% những người có thói quen ăn nhanh mắc hội chứng chuyển hóa, trong khi với nhóm người có tốc độ ăn bình thường là 6,5%. Với nhóm người ăn chậm, con số này chỉ là 2,3%.

Việc nhai nhiều hơn trong khi ăn sẽ có lợi cho quá trình tiêu hóa thức ăn, giảm gánh nặng cho dạ dày, tránh béo phì và giải tỏa lo lắng. Ngoài ra, việc nhai chậm giúp nước bọt tiết ra đủ làm nhão thức ăn, giúp chúng ta dễ nuốt hơn.

Nên thực hiện chế độ ăn uống điều độ, ngày ba bữa đều đặn. Mỗi bữa, bạn chỉ nên ăn đủ no, thời gian mỗi bữa kéo dài tốt nhất là khoảng 30 phút.

Thêm giấm, giảm muối

Muối cần thiết cho cơ thể để duy trì hoạt động ổn định. Tuy nhiên, chế độ ăn thừa muối có nguy cơ cao dẫn tới các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thường xuyên dùng đồ ăn mặn dẫn tới 62% các ca đột quỵ não.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra tác hại của muối với cơ thể. Ăn nhiều muối hại tim, thận, làm tổn thương niêm mạc dạ dày, gây yếu xương và làm huyết áp tăng cao. Do đó, trong chế độ ăn, nên cố gắng hạn chế muối.

Trong khi đó, giấm được chứng minh tốt cho sức khỏe nếu dùng lượng hợp lý. Các nghiên cứu cho thấy giấm giúp chống nhiễm trùng, điều hòa huyết áp, chống oxy hóa, giúp hấp thụ canxi... Giấm có thể được thêm vào khi nấu ăn đúng cách, từ đó giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn, đồng thời tạo điều kiện hấp thụ canxi trong thức ăn hiệu quả hơn.

Quy tắc 'thêm, bớt' giúp sống khỏe hơn

Tăng ăn đậu hoặc các chế phẩm từ đậu và các loại hạt, giảm ăn thịt để có sức khỏe tốt hơn. Ảnh minh họa: Aboluowang.Thêm đậu, giảm thịt

Lượng thịt nạc hàng ngày mỗi người lớn dung nạp chỉ nên dưới 75 gr. Người lao động thể lực cao có thể tăng lượng phù hợp. Phụ nữ, người trung niên và người cao tuổi, người lao động trí óc nặng nhọc nên sử dụng nhiều cá và thịt gia cầm không da. Những người có nguy cơ tim mạch, huyết áp cao, béo phì nên ăn ít thịt và ăn nhiều chế phẩm từ hạt đậu nành, ví dụ đậu phụ, sữa đậu... Đậu phụ là nguồn cung cấp các chất canxi, magiê, phốt pho, vitamin B, sắt, mangan, có tác dụng ngừa tim mạch, giảm ung thư, cải thiện chức năng thận...

Thể dục nhiều hơn, uống ít thuốc hơn

Tự ý sử dụng thuốc khi chưa có sự tư vấn của bác sĩ luôn đem lại hại nhiều hơn lợi. Do đó, nên hạn chế sử dụng thuốc tự phát hay tăng giảm liều lượng bừa bãi. Tránh tối đa việc lạm dụng thuốc bổ, kháng sinh... khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Để giảm lượng thuốc vào cơ thể, bạn cần tăng cường sức khỏe. Điều đó đồng nghĩa với việc nên tập thể dục đều đặn, phù hợp sức khỏe. Nên vận động ở mức độ vừa phải khoảng nửa tiếng mỗi ngày, chẳng hạn như tới phòng gym, bơi lội, chạy bộ... Các hoạt động này có thể giúp cải thiện lưu thông máu, tăng cường chức năng của tim và phổi, giảm nguy cơ mắc bệnh.

Đi bộ nhiều hơn, đi xe ít hơn

Guồng quay công nghiệp hiện đại khiến con người lười vận động, mỗi bước đều là lên xe, xuống xe. Theo các nhà khoa học, để duy trì thể chất khỏe mạnh, nên giảm đi xe, tăng cường đi bộ.

Nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học McMaster ở Ontario (Canada) cho thấy đi bộ giúp giảm tốc độ lão hóa, điều hòa huyết áp, ngăn tiểu đường, tăng cường hệ miễn dịch... Thậm chí, các nhà nghiên cứu từ Đại học Stanford (Mỹ) nói khả năng sáng tạo của một người tăng lên khi đi bộ thường xuyên, chỉ trong một thời gian ngắn.

Làm thiện nguyện nhiều hơn và ít ham muốn hơn

Nếu điều kiện cho phép, bạn có thể dành thời gian, kinh tế... giúp đỡ người khác, ví dụ tham gia các hoạt động phúc lợi công cộng giúp hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn. Điều này không chỉ đem lại niềm vui cho người khác mà còn giúp bạn được thoải mái tinh thần, loại bỏ những phiền muộn của bản thân. Một nghiên cứu năm 1999 cho thấy, những người thích làm thiện nguyện có tỷ lệ tử vong thấp hơn 63% so với người không làm tình nguyện. Nghiên cứu (2013) từ Đại học Carnegie Mellon cho thấy, những người trưởng thành trên 50 tuổi làm tình nguyện sẽ ít có khả năng bị huyết áp cao so với nhóm không làm tình nguyện.

Cười nhiều hơn và bớt lo lắng đi

Các nhà nghiên cứu chỉ ra, cười vui vẻ trong khoảng 15 phút có thể giúp tiêu hao calo trong cơ thể, đồng thời giúp cải thiện dung tích phổi và duy trì sức khỏe tim mạch.

Để sống vui, khỏe, hãy cố gắng giải tỏa những cảm xúc tiêu cực thông qua việc đi du lịch, đọc sách, chơi thể thao ngoài trời...

Hành động nhiều hơn, nói ít hơn

Nói ít, làm nhiều thay vì nói nhiều, làm ít là cách để bạn có một cuộc sống tích cực hơn. Đừng chỉ lên kế hoạch cho những gì đang diễn ra mà hãy bắt tay vào thực hiện chúng. Điều quan trọng là loại bỏ những thói quen xấu trong cuộc sống và hình thành những thói quen tốt.

Thùy Linh (Theo Aboluowang)Trở lại Đời sốngTrở lại Đời sốngChia sẻ ×

Tags:

quy tắc sống khỏe

sống khỏe

sinh hoạt lành mạnh

Tin nóng

Tin cùng chuyên mục