07/10/2023 15:04

Sạt lở nghiêm trọng tại điện Hòn Chén

Trước tình trạng khu vực điện Huệ Nam bị sạt lở nghiêm trọng, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã công bố tình trạng khẩn cấp, đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan nhanh chóng triển khai các giải pháp để khắc phục.

Sạt lở nghiêm trọng tại điện Hòn Chén

Khu vực điện Hòn Chén, xã Hương Thọ, TP Huế.

Điện Huệ Nam (hay còn được gọi là điện Hòn Chén) là một cụm di tích gồm nhiều công trình kiến trúc lớn nhỏ khác nhau, tọa lạc trên núi Ngọc Trản (thuộc làng Hải Cát, xã Hương Thọ, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế). Điện Hòn Chén không chỉ là một di tích tín ngưỡng và tôn giáo mà còn là một thắng cảnh thu hút hàng nghìn người dân và du khách đến tham quan, nhất là dịp lễ hội vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch hàng năm.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại một số khu vực của điện Hòn Chén xuất hiện tình trạng sạt lở đất, đá nghiêm trọng. Cụ thể, ở phía sau Minh Kính Điện tiếp giáp rất gần với vách núi dựng đứng, có rất nhiều tảng đá với nguy cơ sạt lở rất cao khi mùa mưa bão. Trước đó, tại khu vực này cũng từng xảy ra một số vụ sạt lở, đá lăn gây hư hại công trình. Mặc dù khu vực này đã được cơ quan chức năng làm rào sắt cao 10m để che chắn nhưng chỉ để ngăn đá nhỏ rơi vào điện. Hiện nay, tình trạng sạt lở tại sườn đồi phía sau Minh Kính Điện vẫn chưa có dấu hiệu dừng.

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 2197 công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở tại khu vực di tích điện Hòn Chén. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan chức năng tổ chức các biện pháp để ứng phó tình huống sạt lở nghiêm trọng do thiên tai gây ra. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế khẩn trương tổ chức thực hiện các biện pháp cụ thể để ngăn chặn nhằm giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai gây ra tại khu vực điện Hòn Chén. Đồng thời, huy động lực lượng, phương tiện và phân công cụ thể cho từng thành viên theo dõi thường xuyên tại hiện trường về tình hình sạt lở, kịp thời có biện pháp ứng phó.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu các đơn vị liên quan căn cứ tình hình thực tế để tổ chức sơ tán lực lượng bảo vệ, du khách trong khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn. Huy động các nguồn lực theo quy định để thực hiện xử lý khẩn cấp, gia cố, chống sạt lở sườn mái dốc khi có mưa, bão lũ.

Cơ quan chức năng tiến hành cắm biển cảnh báo, khoanh vùng nguy hiểm. Bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn du khách qua lại đảm bảo an toàn trong khu vực. Nghiên cứu lập dự án xử lý tổng thể chống sạt lở, xói lở khu vực điện Hòn Chén để bảo vệ và khai thác giá trị của di tích bền vững.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Công Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, hiện đơn vị đã và đang triển khai cấp thiết các giải pháp tạm thời để đảm bảo an toàn cho công trình, đề phòng sạt lở gây ảnh hưởng đến di tích.

Theo ông Sơn, những năm qua, Trung tâm cũng thường xuyên gia cố tại các điểm sạt lở, sụt lún xung quanh điện Hòn Chén. Tuy nhiên, việc này chỉ mang tính chất tạm thời, về lâu dài cần phải có giải pháp căn cơ để giải quyết dứt điểm tình trạng trên. “Thời gian qua, Trung tâm cũng đã mời các đơn vị tư vấn cả trong và ngoài nước tiến hành khảo sát về tình trạng sạt lở tại khu vực điện Hòn Chén. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa đưa ra được giải pháp tối ưu nhất” - ông Sơn thông tin.

Chủ đề: sạt lở nghiêm trọng tại ĐIỆN HÒN CHÉN

Tags:

Sạt lở

nghiêm trọng

tại

điện Hòn Chén

Tin cùng chuyên mục