Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Sau cú sốc, sắp đến lúc trỗi dậy?
Thị trường trái phiếu bớt căng thẳng dù còn ảm đạm, lòng tin của các nhà đầu tư cá nhân suy giảm nhiều sau các cú sốc. Tuy nhiên, tiềm năng của thị trường này rất lớn, thậm chí lớn hơn cả thị trường cổ phiếu.
LTS: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam phát triển bùng nổ nhưng đã đứng lại sau cú “phanh gấp” năm trước. Sự trầm lắng kéo dài trong hơn một năm qua vẫn tiếp diễn. Dù vậy, đã có sóng ngầm trên thị trường này, với những thỏa thuận dồn dập giữa doanh nghiệp với các trái chủ, giữa ngân hàng với doanh nghiệp, với các nhà đầu tư.
Cơ hội tương lai của thị trường trái phiếu sẽ ra sao? Những gì cần thiết để thị trường trái phiếu phát triển mạnh, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng, giảm bớt gánh nặng lên vai hệ thống ngân hàng cũng như thị trường cổ phiếu, như xu hướng ở các nền kinh tế phát triển?
Ông Vicente Nguyen, Giám đốc đầu tư (CIO) của AFC Vietnam Fund đã có những chia sẻ với PV. VietNamNet về thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam và đánh giá về triển vọng của thị trường có quy mô triệu tỷ đồng này trong tương lai.
Xếp hạng tín nhiệm càng sớm càng tốt- Ông đánh giá như thế nào về thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam sau khi có Nghị định 08 ngày 5/3 của Chính phủ với nội dung bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại Nghị định 65 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế? Trong đó, có quy định cho phép doanh nghiệp được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm; tạm ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp…Ông Vicente Nguyen: Về việc sửa đổi Nghị định, tôi cho rằng có những điểm ưu và cũng có những nhược điểm. Về ưu điểm, việc kéo dài kỳ hạn trái phiếu sẽ giúp các doanh nghiệp dễ thở hơn, họ có thể đàm phán với chủ nợ để kéo dài kỳ hạn, giảm bớt áp lực về thanh khoản.
Tuy nhiên, việc này cũng chỉ giúp được các doanh nghiệp trong ngắn hạn, về cơ bản, các doanh nghiệp vẫn phải tìm cách gia tăng khả năng thanh toán. Chứ việc kéo dài không thể giải quyết dứt điểm khả năng thanh toán yếu kém của doanh nghiệp.
Việc tạm ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân cũng là yếu tố giúp thanh khoản giao dịch thị trường trái phiếu doanh nghiệp được cải thiện, giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết và không cơ bản.
Nhưng việc lùi thời hạn xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp là một bước lùi thật sự. Bởi đây là một trong những tiêu chuẩn cơ bản và cực kỳ quan trọng với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp và giúp nhà đầu tư nhìn nhận rõ chất lượng của trái phiếu mà họ mua.
Việc này đẩy rủi ro về phía nhà đầu tư trái phiếu. Cá nhân tôi cho rằng, tiêu chuẩn này không những không nên lùi mà cần đưa vào càng sớm càng tốt để gia tăng chất lượng của trái phiếu doanh nghiệp và tính minh bạch của thị trường.
- Thực chất của hoạt động rầm rộ mua lại trái phiếu doanh nghiệp thời gian gần đây là gì? Nguyên nhân sâu xa là từ đâu?
Tôi cho rằng, việc doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn có nhiều lý do.
Thứ nhất, các doanh nghiệp chủ động được nguồn vốn nên chủ động mua lại nhằm giảm chi phí.
Bên cạnh đó, các trái phiếu đã phát hành có thể vi phạm quy định nào đó nên buộc phải mua lại. Sau đó, nếu muốn phát hành lại thì phải đáp ứng các quy định mới.
Ông Vicente Nguyen, Giám đốc đầu tư (CIO) của AFC Vietnam Fund.
- Trong khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp khá trầm lắng và nhiều ngân hàng giảm mạnh lãi suất huy động (và cho vay), hiện tượng một số doanh nghiệp phát hành với mức lãi suất cao (13-14%/năm), trong khi một số lại huy động trái phiếu với lãi suất rất thấp (1,33-6%/năm) cho thấy điều gì?
Về mặt lý thuyết mà nói, khi lãi suất huy động của ngân hàng là 7% thì việc phát hành 6% là không khả thi. Do đó, các lô phát hành này rõ ràng có mục đích riêng chứ không đơn thuần là vay thông qua trái phiếu để đầu tư kinh doanh.
Chúng ta đơn cử Tập đoàn Vingroup phát hành với lãi suất 15% trong năm đầu tiên thì các doanh nghiệp với quy mô nhỏ hơn, xếp hạng tín nhiệm thấp hơn khó có thể phát hành với mức lãi suất thấp hơn.
Do đó, đôi khi các lô phát hành đặc biệt kia mang ý nghĩa khác, phi thị trường. Và chúng ta không nên dùng các trường hợp này để nhận định về thị trường nói chung.
Triển vọng tươi sáng- Lãi suất ngân hàng giảm, ngân hàng có dấu hiệu thanh khoản dồi dào nhưng tăng trưởng tín dụng thấp và thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn khá ảm đạm. Ông có thể đánh giá thêm về sự hồi phục chậm chạp của thị trường trái phiếu doanh nghiệp là vì đâu?
Cá nhân tôi cho rằng trong ngắn hạn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thể hồi phục mạnh được bởi vì lòng tin bị suy giảm trong năm 2022. Hàng loạt các doanh nghiệp rác (không tài sản đảm bảo, không nguồn thu, không xếp hạng tín nhiệm…) phát hành trái phiếu sau đó được các tổ chức môi giới phân phối lại cho nhà đầu tư cá nhân.
Rất nhiều nhà đầu tư cá nhân đã thua lỗ nặng nề, thậm chí mất vốn. Điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn tới niềm tin, có lẽ phải mất rất nhiều năm mới có thể xoá đi.
Tuy nhiên, nếu nhìn dài hạn hơn 10-15-20 năm thì thị trường này nhất định phát triển mạnh mẽ bởi đây là một trong những kênh huy động vốn rất quan trọng của doanh nghiệp và nó sẽ tăng trưởng tốt khi nó hoạt động hiệu quả. Tức các khoản phát hành phải minh bạch, phải được xếp hạng tín nhiệm, phải được giám sát tốt… thì niềm tin sẽ dần quay trở lại và trở thành một kênh đầu tư tốt cho nhà đầu tư tổ chức lẫn cá nhân.
- Thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp trên thế giới và triển vọng dài hạn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam ra sao? Việt Nam cần làm gì để phát triển mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp?
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam là cực kỳ non trẻ và mới mẻ, mới chỉ vài ba năm trở lại đây mà thôi. Do đó, triển vọng phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp là rất sáng và rộng mở.
Vấn đề là chúng ta cần tạo ra sự minh bạch, thông qua xếp hạng tín nhiệm và giám sát tốt.
Ngoài ra, việc xuất hiện các nhà tạo lập thị trường (market maker) cũng sẽ cải thiện đáng kể thanh khoản cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nói chung, tiềm năng của thị trường này là rất lớn, thậm chí còn lớn hơn cả thị trường cổ phiếu.
Doanh nghiệp khó, không trả nổi: Ngân hàng làm gì với 8,5 tỷ USD trái phiếu?
Một số ngân hàng mua lại trái phiếu riêng lẻ do họ phân phối ra thị trường trước đó. Điều này giúp ổn định thị trường khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn và không thể trả lãi và gốc đúng hạn.
Phát hành trái phiếu quốc tế: Sân chơi của ông lớn, có dễ tìm vốn rẻ?
Nhiều doanh nghiệp Việt chọn phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường quốc tế khi thị trường này trong nước gặp khó. Nhưng dường như, đây mới chỉ là sân chơi cho một vài "ông lớn" nội. Lãi suất cũng không hề thấp.
Sóng ngầm trái phiếu doanh nghiệp, lãi suất cực chát hay thân thiện 'người nhà'?
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn trầm lắng, lượng và giá trị phát hành giảm mạnh. Tuy nhiên, có "sóng ngầm" với những thỏa thuận dồn dập trong cả năm qua.
Bình luận
Tags:trái phiếu doanh nghiệp
Tin cùng chuyên mục