Xuất khẩu tăng tốc về đích
Sau nhiều tháng sụt giảm mạnh, sang đầu quý III, xuất khẩu các mặt hàng nông sản đã có chuyển biến tốt. Thị trường xuất hiện tín hiệu tích cực khi nhu cầu tăng, kéo theo đơn hàng xuất khẩu tăng trở lại.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu đã có sự tăng trưởng rõ nét. Ảnh: Quang Vinh.
Nhiều mặt hàng xác lập kỷ lục
Tuy mới tham gia vào thị trường thế giới, nhưng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã tăng kỷ lục nhờ nắm bắt rất tốt cơ hội sau khi ký Nghị định thư xuất khẩu mặt hàng này theo con đường chính ngạch với Trung Quốc. Xuất khẩu sầu riêng 7 tháng đầu năm nay đã thu về 1,1 tỷ USD, “đánh bật” thanh long - loại quả đã 10 năm liền đứng đầu trong top các loại trái cây xuất khẩu của nước ta để vươn lên chiếm vị trí top đầu và chính thức lọt vào “câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD” của ngành nông nghiệp.
Hạt điều là một trong những sản phẩm nông sản có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD sau 7 tháng đầu năm. Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2023,xuất khẩu hạt điềucủa Việt Nam đạt 54.675 tấn, trị giá hơn 304,3 triệu USD, giảm 7,5% về lượng và giảm 10,2% về kim ngạch so với tháng 6/2023. Tính chung trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt điều đạt 334.870 tấn, mang về hơn 1,94 tỷ USD, tăng 13,3% về lượng và tăng 9,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Tương tự giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam tháng 7/2023 ghi nhận mức cao kỷ lục đạt 2.828 USD/tấn, tăng 5,4% so với tháng 6/2023 và tăng 23,4% so với tháng 7/2022. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta đạt mức 2.418 USD/tấn, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Gạo đang là mặt hàng chủ lực chiếm ưu thế nhất khi giá xuất khẩu gạo của Việt Nam đang ở mức cao kỷ lục khi Ấn Độ và một số quốc gia cấm xuất khẩu mặt hàng này. Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta ngày 11/8 đạt mốc mới 638 USD/tấn, gạo 25% cũng vọt lên 618 USD/tấn. So với thời điểm trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu (20/7), gạo 5% tấm và 25% tấm đã tăng thêm 105 USD/tấn, đưa giá mặt hàng này lên mức cao hiếm có trong lịch sử.
Về xuất khẩu thủy sản, theo ông Trương Đình Hòe - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mặc dù giá trị xuất khẩu ngành thủy sản nửa đầu năm nay không bằng với mức 6 tháng đầu năm 2022 (thấp hơn 1, 8 tỷ USD) nhưng giá trị xuất khẩu của ngành vẫn đạt gần 6 tỷ USD (bằng với mức 6 tháng đầu năm 2019). Điều này cho thấy trong bối cảnh tình hình kinh thế giới suy giảm nhiều, kết quả đạt được ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của các DN. Chủ tịch VASEP lạc quan, thị trường đang có sự phục hồi với những tín hiệu rõ ràng hơn.
Xuất khẩu sầu riêng thời gian qua tăng kỷ lục.
Dự báo nhiều sôi động
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá, sau những tháng đầu năm sụt giảm mạnh, sang đầu quý III xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp đã có chuyển biến tốt. Thị trường lớn có nhiều tín hiệu tích cực khi nhu cầu tăng, kéo theo đơn hàng xuất khẩu tăng trở lại. Riêng về mặt hàng gạo, ông Tiến cho rằng nhiều quốc gia như Ấn Độ, Nga, UAE... hạn chế xuất khẩu là thời cơ cho gạo Việt Nam.
Các chuyên gia ngành lúa gạo cũng đưa ra nhận định, giá gạo xuất khẩu có thể tăng lên ngưỡng 800 USD/tấn, thậm chí lặp lại lịch sử năm 2008 khi mặt hàng này đạt ngưỡng giá 1.000 USD/tấn. Bởi, nguồn cung gạo toàn cầu đang căng thẳng, một số nước cấm xuất khẩu để bảo hộ an ninh lương thực quốc gia, trong khi các khu vực sản xuất lúa gạo lớn ở châu Á chịu tác động mạnh bởi El Nino khiến sản lượng mặt hàng này giảm mạnh.
Với ngành điều, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dự báo quý III, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sẽ tăng nhờ yếu tố chu kỳ và nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ, EU tăng trở lại. Hiện các nhà máy sản xuất trong nước ký được nhiều đơn hàng mới và nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này bắt đầu tăng trở lại. Hoạt động sản xuất diễn ra sôi động, nhiều đơn vị phải tăng công suất chế biến để kịp các đơn hàng đã ký cho 2 quý cuối năm. Việc nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm và tận dụng tốt cơ hội từ thị trường sẽ giúp cho ngành điều Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và bứt phá.
Với mặt hàng cà phê, theo báo cáo của Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), dự kiến toàn cầu sẽ thiếu hụt 7,26 triệu bao cà phê các loại trong niên vụ 2023-2024. Dự báo do lạm phát lan ra toàn cầu, người dân thắt chặt chi tiêu, buộc phải tìm đến những mặt hàng cùng loại nhưng giá thành hợp túi tiền hơn. Cà phê robusta của Việt Nam hưởng lợi, giá xuất khẩu bật tăng mạnh thời gian qua. Đây cũng chính là cơ hội để nước ta đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.
Để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản, theo Bộ Công thương cần tăng cường tổ chức sản xuất, xuất khẩu theo liên kết chuỗi; tổ chức hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, tập trung; gắn sản xuất với với tín hiệu của thị trường; liên kết nông dân bằng mô hình hợp tác xã kiểu mới; các khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ được đặt trong một “chuỗi giá trị” với doanh nghiệp. Song hành với đó là tiếp tục đàm phán, mở cửa thị trường, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường, bao gồm những thị trường truyền thống và các thị trường mới còn nhiều tiềm năng.
Sức bật từ doanh nghiệp
Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới, xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam vẫn đạt được kết quả cao, nhất là rau quả và gạo.
“Mặc dù thị trường xuất khẩu còn nhiều khó khăn, song đánh giá chung cho thấy có một điểm tích cực, đó là các DN cũng đang phát huy tốt việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) để duy trì xuất khẩu vào các thị trường chính”- ông Hải nhận xét và khẳng định, những nỗ lực của DN là rất lớn để duy trì hoạt động sản xuất, xuất khẩu, lưu thông hàng hóa. Tại thời điểm hiện nay, các DN cũng nên tiếp tục có các đánh giá và tái cơ cấu cho chiến lược hoạt động cũng như chiến lược kinh doanh. Vẫn theo ông Hải, Việt Nam đã có kinh nghiệm ứng phó những tình huống tương tự như thế này, do đó, đây là giai đoạn mà DN cần tiếp tục vận dụng các kinh nghiệm, bài học đã thu được để nhanh chóng vượt qua khó khăn.
Riêng đối với lĩnh vực dệt may Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng tình hình sản xuất, xuất khẩu sẽ cải thiện dần nhưng khó khăn sẽ còn kéo dài hết năm 2023. Bên cạnh việc thiếu đơn hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh của mình, các DN còn phải đối mặt với khó khăn do đơn giá giảm sâu, thậm chí giảm đến trên 50% so với bình thường; trong khi mục tiêu phấn đấu của toàn ngành đạt 39 - 40 tỷ USD trong năm nay.
Để hoàn thành mục tiêu, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng các DN cần chú trọng 3 vấn đề cốt lõi. Thứ nhất, tìm giải pháp giữ chân người lao động, nhất là lực lượng nòng cốt. Tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng nghề, đào tạo nhân lực cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Thứ hai, giữ chân khách hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh, không có lãi để có việc làm cho người lao động và để khách hàng không chuyển đi nơi khác. Xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, lâu dài. Khai thác thị trường mới, quan tâm thị trường nội địa. Thứ ba, giảm tối đa các chi phí chưa thực sự cần thiết của DN.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho rằng trong xuất khẩu, DN cần đặc biệt chú ý đến các rào cản thương mại mới phát sinh. Ví dụ như các biện pháp phòng vệ thương mại, các biện pháp liên quan đến lao động và môi trường. Đặc biệt là hiện nay, chính sách thương mại xanh sẽ có tác động rất lớn đến hoạt động thương mại sắp tới.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan:Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tận dụng thời cơ
Để khắc phục khó khăn, tận dụng cơ hội trong bảo đảm an ninh, an toàn nguồn cung thực phẩm trong nước và gia tăng xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2023, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm như: Cập nhật, phân tích đánh giá thông tin, diễn biến thị trường một cách toàn diện, cẩn trọng để kịp thời phổ biến, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó, tận dụng cơ hội thị trường; Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương gia tăng, đổi mới tổ chức truyền thông quảng bá chất lượng đặc thù vượt trội của nông sản Việt tại thị trường trong và ngoài nước.
Về dài hạn, tổ chức sản xuất nông nghiệp bền vững theo mục tiêu, định hướng tại Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững và các giải pháp cụ thể tại các Đề án đang triển khai: “Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025”; “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản gắn với thị trường tiêu thụ”; “Thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030”… Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng trình Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, Đề án “Phát triển hệ thống logistics nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050”.
Chủ đề: Xuất khẩu Tăng tốc về đích
Tags:Xuất khẩu
tăng tốc
về đích
Tin cùng chuyên mục